Ai tiếp tay cho lợn nhập từ Thái Lan tuồn thẳng ra thị trường?

Ngày 11.1, Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã yêu cầu các đơn vị liên quan triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp hiện tượng buôn bán, vận chuyển trái phép lợn làm gia tăng nguy cơ xâm nhiễm, lây lan các loại dịch bệnh nguy hiểm. Theo quy trình, lợn nhập khẩu phải được cách ly, xét nghiệm dịch bệnh, nếu an toàn mới được đưa ra thị trường. Tuy nhiên, suốt nhiều ngày đêm bám theo các đoàn xe chở lợn nhập khẩu từ Thái Lan vào nội địa Việt Nam, PV Báo Lao Động phát hiện nhiều dối trá trong nhập khẩu lợn và việc cách ly, xét nghiệm, gây nhiều nguy cơ bùng phát dịch bệnh.

 

Xe chở lợn nhập khẩu buộc phải di chuyển về khu cách ly để phòng dịch, nhưng không được thực hiện mà chạy thẳng ra thị trường
Xe chở lợn nhập khẩu buộc phải di chuyển về khu cách ly để phòng dịch, nhưng không được thực hiện mà chạy thẳng ra thị trường. Ảnh: HT

 

Giá thịt lợn hơi liên tục tăng cao trong những ngày giáp Tết Nguyên đán. Lợn Thái Lan nhập khẩu qua Cửa khẩu Quốc tế Đen Sa Vẳn (Lào) và Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo (Việt Nam) liên tục tăng về số lượng. Chỉ trong 15 ngày đầu tháng 1.2021 đã có lượng lợn sống với trị giá gần 21 triệu USD vào nội địa Việt Nam. Tuy vậy, lợn nhập khẩu vào nội địa chỉ được kiểm soát chặt… trên giấy.

 

Lợn nhập khẩu được kiểm soát chặt… trên giấy

Từ khoảng giữa năm 2020, do giá lợn ở trong nước tăng cao, nên một số doanh nghiệp được cấp phép cho nhập khẩu lợn từ Thái Lan về Việt Nam qua Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo.

 

Ông Nguyễn Xuân Thủy – Trạm trưởng Trạm kiểm dịch động vật Cửa khẩu Quốc tế (CKQT) Lao Bảo, thuộc Chi cục Thú y vùng 3 (Cục Thú y) cho biết, lợn nhập khẩu được kiểm soát nghiêm ngặt từ lúc làm thủ tục nhập khẩu ở cửa khẩu đến lúc vào địa điểm cách ly.

 

Cuối giờ chiều giữa tháng 1.2021, hàng dài những chiếc xe chở lợn nhập khẩu mang biển số nước ngoài xếp hàng dài bên trong bãi kiểm hóa ở CKQT Lao Bảo.

 

Tại đây, lợn trên xe biển số nước ngoài được lùa sang các xe biển số Việt, tài xế cũng được đổi, đề phòng dịch COVID-19.

 

Trước khi các xe di chuyển vào bãi kiểm hóa, doanh nghiệp đã gửi các giấy tờ liên quan về lô hàng qua mạng để cơ quan Thú y kiểm tra trước. Giấy tờ hợp lệ, xe vào bãi kiểm hóa thì cơ quan Thú y tiếp tục kiểm tra hồ sơ gốc, rồi kiểm tra thực tế lô hàng về số lượng lợn, kiểm tra lâm sàng lợn.

 

“Lợn đủ số lượng như trong tờ khai, khỏe mạnh, đủ điều kiện nhập khẩu thì chúng tôi cấp giấy chứng nhận kiểm dịch cho phép vận chuyển lợn về khu cách ly” – ông Nguyễn Xuân Thủy, cho biết.

 

Để tránh tình trạng gian dối trong quá trình vận chuyển từ cửa khẩu về nơi cách ly, cán bộ Trạm kiểm dịch động vật CKQT Lao Bảo sẽ tiến hành kẹp chì niêm phong ở xe chở lợn. Có xe kẹp 5 chì, có xe 7, nơi nào có thể mở được thì bắt buộc phải kẹp chì.

 

Sau khi hoàn tất các thủ tục, xe chở lợn rời cửa khẩu và buộc phải di chuyển về địa điểm cách ly đã được cấp phép.

 

Xe đến khu cách ly, cán bộ Thú y vùng sẽ có mặt ở đó để kiểm tra và giám sát hàng hóa theo Thông tư 25/2016/TT-BNNPTNT quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn.

 

Nếu các chì niêm phong còn nguyên, số lượng lợn đúng như trong giấy tờ liên quan, thì cán bộ Thú y sẽ phá chì để doanh nghiệp đưa lợn vào cách ly. Tiếp đó, cán bộ Thú y sẽ lấy mẫu xét nghiệm, theo dõi trong thời gian không quá 5 ngày xem lợn có bệnh gì không. Sau thời gian cách ly, kết quả xét nghiệm lợn không có bệnh thì cơ quan Thú y vùng sẽ cấp giấy chứng nhận kiểm dịch.

 

Căn cứ theo giấy chứng nhận kiểm dịch của Thú y vùng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y cấp tỉnh sẽ cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh để đi giết mổ.

 

Để cấp giấy trên, cán bộ Thú y tỉnh buộc phải đến địa điểm cách ly, kiểm tra sức khỏe của lợn, giám sát bốc lợn lên xe rồi niêm phong kẹp chì.

 

Quy trình nghiêm ngặt như vậy, nhưng khi theo chân các đoàn xe chở lợn từ CKQT Lao Bảo về địa điểm cách ly phòng dịch bệnh, thì sự thật hoàn toàn trái ngược…

 

Chưa cách ly phòng dịch đã được cấp phép đưa vào lò mổ

Ngày 12.1, Công ty TNHH MTV LB Phú Trọng (địa chỉ khóm Trung Chín, thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) đã làm thủ tục nhập khẩu 2 lô lợn sống để giết mổ. Số lợn này được đưa lên 6 xe để vận chuyển về 2 nơi nuôi cách ly kiểm dịch mà công ty được cấp phép.

 

Khoảng 23h30 đêm 12.1, các xe chở lợn của Cty nói trên xuất phát ở CKQT Lao Bảo theo hướng QL 9.

 

Đến 2h45, xe BKS 73C-041.83 chở lợn đã di chuyển đến khu cách ly nằm trên đường HCM nhánh Đông ở thôn Thuận Phong, xã Thuận Đức, TP.Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình.

 

Đường vào khu cách ly lợn nhập khẩu này nằm gần trụ sở UBND xã Thuận Đức và đang được san ủi. Cùng lúc xe này di chuyển đến, trong đêm tối có 2 xe khác chở đầy lợn từ địa điểm cách ly chạy ra.

 

Trong danh sách các xe chở lợn nhập khẩu phải về khu cách ly nói trên, có xe BKS 90C-052.41 chở 170 con lợn, tuy nhiên suốt đêm 12.1 đến hết ngày 13.1, xe này không xuất hiện ở khu cách ly thuộc tỉnh Quảng Bình.

 

Trở lại đêm 12.1, chúng tôi đã theo sát chiếc xe BKS 90C-052.41 và phát hiện xe đã di chuyển theo hướng QL 1A. Đến gần 1h ngày 13.1 xe chở theo lợn nhập khẩu đến cầu Quán Hàu (QL 1A, tỉnh Quảng Bình) và đến hơn 2h30 cùng ngày thì xe này đã di chuyển đến nơi tiếp giáp giữa tỉnh Quảng Bình và tỉnh Hà Tĩnh.

 

Xe tiếp tục di chuyển, trong sáng 13.1 xe đến tỉnh Thanh Hóa và tiếp tục di chuyển đến điểm cuối là chợ đầu mối ở tỉnh Hà Nam.

 

Cán bộ kiểm dịch Thú y bị lừa?

Điều tra của Báo Lao Động cho thấy, quá trình xe BKS 90C-052.41 chở theo số lợn nhập khẩu chưa qua cách ly phòng dịch nói trên, tài xế nắm trong tay “bùa hộ mệnh” là giấy chứng nhận kiểm dịch động vật vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh do bà Cao Thị Hải, kiểm dịch viên của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Bình ký cấp tại Quảng Bình vào ngày 13.1.

 

Trong giấy này, có nội dung chứng nhận 170 con lợn trên xe đã được tiêm phòng vắc xin; không có triệu chứng lâm sàng của bệnh truyền nhiễm khi xuất phát; động vật được xét nghiệm và có kết quả âm tính với các bệnh!. Có giấy này trong tay, chiếc xe chở theo lợn nhập khẩu chưa được cách ly phòng dịch theo quy định đã đi lọt qua nhiều chốt kiểm dịch động vật các tỉnh từ Bắc miền Trung trở ra.

 

Trả lời Báo Lao Động, ông Trần Công Tám – Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Bình khẳng định, việc cấp giấy chứng nhận kiểm dịch đối với lợn nhập khẩu được làm nghiêm ngặt theo đúng quy định.

 

Khẳng định làm đúng, nhưng khi chúng tôi dẫn chứng về xe ôtô 90C-052.41 ở trên, ông Tám đã kiểm tra lại, và thừa nhận, 170 con lợn trên xe không được đưa vào khu cách ly để cách ly phòng dịch theo quy định mà được đưa thẳng đến cơ sở giết mổ.

 

Theo ông Tám, bà Cao Thị Hải đã có mặt tại địa điểm cách ly của Công ty TNHH MTV LB Phú Trọng và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch đối với xe 90C-052.41 đúng quy định. Tuy nhiên, trước đó áp tải xe đã đổi biển số bằng cách tháo biển số xe 90C-052.41 lắp vào 1 xe khác trong khu cách ly kiểm dịch tại thôn Thuận Phong.

 

“Họ lừa, bỏ xe chở lợn từ Quảng Trị ra ở ngoài khu cách ly, rồi lấy biển số ở xe đó lắp vào một xe khác đã bốc lợn lên. Số lợn trên xe này được cách ly đúng quy định, khi mình xong hồ sơ, niêm phong chì thì họ lột biển số 90C-052.41 ra, gắn vào xe ở ngoài khu cách ly rồi cầm theo hồ sơ đó để đi” – Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Bình Trần Công Tám, nói.